So sánh là gì? Các kiểu so sánh trong tiếng Việt và ví dụ cụ thể

So sánh là một biện pháp tu từ không chỉ phổ biến trong các tác phẩm văn học mà còn được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày. Vậy so sánh là gì, biện pháp này có những đặc điểm gì nổi bật? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về phép so sánh trong bài viết dưới đây nhé.

Tìm hiểu khái niệm so sánh là gì?

Theo định nghĩa trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 6, so sánh là biện pháp tu từ dùng để đối chiếu hai sự vật, sự việc khác nhau nhưng có một nét tương đồng nào đó, từ đó khiến cách diễn đạt trở nên gợi hình gợi cảm hơn.

so-sanh-la-gi
So sánh là một biện pháp tu từ phổ biến

Ví dụ: Trong câu “Anh em như thể tay chân”, việc sử dụng biện pháp tu từ so sánh đã nhấn mạnh sự thân thiết, gắn bó của anh em trong một nhà. Tay, chân là hai bộ phận trên cơ thể con người, chúng có sự liên kết nhất định với nhau, chảy chung dòng máu. Vậy anh em và chân tay đều có điểm chung là gắn bó mật thiết với nhau.

Dấu hiệu đơn giản để nhận biết so sánh là gì?

Phép so sánh có thể dễ dàng được nhận biết với các dấu hiệu sau:

  • Phép so sánh thường sẽ sử dụng từ so sánh, vậy từ so sánh là gì? Từ so sánh là những từ ngữ thường xuất hiện giữa hai vế, hai sự vật hiện tượng cần so sánh trong câu. Trong tiếng Việt, những từ so sánh có thể là: như, như thể, là, giống với…
  • Để nhận biết phép so sánh, chúng ta còn có thể dựa vào nội dung của câu nói, câu văn. Nếu như trong ngữ cảnh đó, nội dung câu nói, câu văn, câu thơ thể hiện sự tương đồng giữa hai sự vật, sự việc thì đó chính là phép so sánh.

Cấu tạo của so sánh

Phép so sánh tiêu chuẩn sẽ thường có 4 bộ phận chính như sau:

  • Vế 1: sự vật, sự việc, con người được so sánh (chủ thể của phép so sánh).
  • Vế 2: sự vật, sự việc, con người được dùng để so sánh.
  • Từ dùng để chỉ phương diện được so sánh.
  • Từ so sánh.
phep-so-sanh-la-gi
Cấu tạo của phép so sánh gồm 4 phần

Ví dụ: Nụ cười của anh ấy tươi sáng giống như ánh mặt trời.

Trong phép so sánh này, cụm từ “nụ cười của anh ấy” chính là vế 1, “ánh mặt trời” là vế 2, “tươi sáng” là từ chỉ phương diện so sánh và “giống như” là từ so sánh.

Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, phép so sánh có thể không tuân theo cấu tạo trên mà lược bỏ một số bộ phận.

  • Với câu “anh em như thể tay chân”, từ ngữ chỉ phương diện so sánh là “thân thiết” hoặc “gắn bó” đã bị lược bỏ.
  • Với câu “Quả dừa đàn lợn con nằm trên cao”, bộ phận từ so sánh là “như”, “giống như” đã được lược bỏ. (Người ta cũng có thể sử dụng dấu gạch ngang để thay thế cho từ so sánh.)
  • Với câu “Như dòng suối trong lành, tiếng hát ấy gột rửa tâm hồn tôi.”, từ so sánh “như” đã được đảo lên đầu thay vì nằm giữa vế 1 và vế 2. Cấu tạo đặc biệt này giúp nhấn mạnh sự vật được dùng để so sánh hơn.

Tác dụng của phương pháp so sánh là gì?

Sử dụng phép so sánh trong cách diễn đạt có rất nhiều tác dụng.

  • Nhấn mạnh sự vật, sự việc trong ngữ cảnh và tình huống nhất định, giúp người nghe, người đọc chú ý đến vấn đề đó hơn.
  • Giúp người đọc, người nghe có thể hình dung, liên tưởng đến sự vật, sự việc một cách dễ dàng hơn. Ví dụ “Tình mẹ bao la như biển rộng”, “tình mẹ” là một sự vật vô hình, nhưng khi nó được so sánh với sự vật hữu hình là “biển rộng” thì người đọc đã có thể tưởng tượng ra được sự to lớn cao cả của tình mẹ.
  • Khiến cho sự diễn đạt trở nên hấp dẫn, sinh động và mềm mại, bay bổng hơn, tránh sự nhàm chán và cứng nhắc cho câu nói, câu văn, câu thơ.

Phân loại biện pháp so sánh

Dựa vào những yếu tố khác nhau, người ta có thể phân loại biện pháp so sánh thành nhiều loại. Dưới đây là hai cách phân loại biện pháp này phổ biến nhất hiện nay.

Dựa trên kiểu so sánh

Dựa trên tính chất của kiểu so sánh, chúng ta có thể chia so sánh thành so sánh ngang bằng và so sánh hơn kém.

So sánh ngang bằng là gì?

So sánh ngang bằng là kiểu so sánh, đối chiếu những sự vật, sự việc và hiện tượng có những điểm chung giống nhau, ở cùng mức độ với nhau. Kiểu so sánh này có thể cụ thể hoá sự vật sự việc, giúp người đọc, người nghe hình dung rõ hơn. Các từ so sánh thường dùng trong kiểu so sánh này là: như, là, giống như…

Ví dụ:

“Hoa hướng dương giống như mặt trời nho nhỏ.”

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

So sánh hơn kém là gì?

So sánh hơn kém là kiểu so sánh, đối chiếu hai sự vật, sự việc không ngang bằng mà hơn kém nhau, đặt chúng trong mối quan hệ mới để làm nổi bật một sự vật, sự việc hơn. Kiểu so sánh này thường sử dụng các từ so sánh như chẳng bằng, chưa, không, hơn…

Ví dụ:

“Học thầy không tày học bạn.”

“Những ngôi sao thức ngoài kia, Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con.”

phuong-phap-so-sanh-la-gi
Có nhiều loại so sánh khác nhau

Dựa trên các đối tượng so sánh

Dựa trên các đối tượng so sánh, có thể phân chia so sánh thành các kiểu phổ biến như sau..

So sánh hai sự vật với nhau

Kiểu so sánh này được sử dụng rất rộng rãi, nó thường được dùng để đối chiếu hai sự vật có những nét chung, điểm tương đồng nhất định.

Ví dụ:

“Những ánh đèn lấp lánh như những ngôi sao trên bầu trời.”

“ Phong cảnh nơi đây đẹp như tranh họa đồ.”

So sánh con người với sự vật

Loại so sánh này dựa trên những đặc điểm tương đồng của con người và sự vật, từ đó làm nổi bật hình ảnh, đặc điểm được so sánh.

Ví dụ:

“Mắt sắc như dao cau.”

“Nụ cười của cô ấy đẹp như bông hoa đang nở rộ.”

So sánh hai âm thanh với nhau

Việc so sánh hai âm thanh có thể giúp người đọc, người nghe hình dung rõ hơn về sự vật, sự việc đang được nhắc đến.

Ví  dụ:

“Tiếng suối trong như nghe như tiếng hát của trong trẻo của một cô gái.”

So sánh các hoạt động với nhau

Kiểu so sánh này dùng để cụ thể hoá những hành động được nhắc đến trong câu và làm cho chúng trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ hình dung hơn.

“Gió thổi làm cành lá lung lay như những cánh tay đang vẫy chào.”

Phân biệt cơ bản phép so sánh và phép ẩn dụ

Phép ẩn dụ hay còn gọi là phép so sánh ngầm, là một biện pháp tu từ có nhiều nét tương đồng với so sánh mà nếu không cẩn thận, chúng ta rất dễ nhầm lẫn so sánh và ẩn dụ. Vậy những điểm giống và khác nhau giữa so sánh và ẩn dụ là gì?

cac-phep-so-sanh
So sánh và ẩn dụ có nét tương đồng nhưng cũng có điểm khác nhau

Điểm giống nhau

So sánh và ẩn dụ đều là phép tu từ dựa trên những điểm tương đồng, giống nhau của các sự vật, hiện tượng khác nhau để làm tăng tính gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Điểm khác nhau

  • Trong một phép so sánh thường sẽ chứa một từ so sánh hoặc một dấu hiệu phân biệt vế so sánh và vế được so sánh (ví dụ: dấu gạch ngang, dấu hai chấm… ). Các phép so sánh có ngang bằng hoặc không ngang bằng (so sánh hơn kém).
  • Ẩn dụ không yêu cầu các từ hoặc dấu câu để phân biệt giữa các sự vật, sự việc được đề cập đến. Do đó, phép ẩn dụ cũng có thể được gọi là phép so sánh ngầm. Phép ẩn dụ giữa các sự vật và sự việc thường mang hàm ý giống nhau, tương đương. Ví dụ: “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”, khuôn mặt được so sánh với mặt trăng nhưng không có từ so sánh.

Bài viết đã giới thiệu khái niệm so sánh là gì và ví dụ về các loại so sánh khác nhau. So sánh là phép tu từ quan trọng  trong tiếng Việt. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức hơn về vấn đề này. Đừng quên ghé thăm khodienmay.info thường xuyên để cập nhật các thông tin mới.