Lên thác xuống ghềnh nghĩa là gì? Các câu ca dao, tục ngữ liên quan

Thành ngữ, tục ngữ và ca dao là một trong những thành tố quan trọng trong tiếng Việt. Có nhiều câu thành ngữ sâu sắc, được người Việt sử dụng thường xuyên trong cuộc sống. Đặc biệt trong số đó có câu “Lên thác xuống ghềnh”. Vậy lên thác xuống ghềnh có nghĩa là gì và được sử dụng như thế nào?. Hãy cùng nhau tìm hiểu về câu thành ngữ này thông qua bài viết sau đây nhé.

Giải thích lên thác xuống ghềnh có nghĩa là gì?

Câu thành ngữ lên thác xuống ghềnh này có 2 lớp nghĩa, đó là nghĩa đen và nghĩa bóng:

  • Về nghĩa đen, thác là những nơi nước chảy từ trên cao xuống, dòng nước mạnh, thuyền bè khó di chuyển. Còn ghềnh là nơi đá lởm chởm. “Lên thác xuống ghềnh” chỉ việc con người phải vượt qua địa hình trắc trở, khó đi lại.
Lên thác xuống ghềnh là câu thành ngữ quen thuộc
Lên thác xuống ghềnh là câu thành ngữ quen thuộc
  • Về nghĩa bóng, lên thác xuống ghềnh có ý nghĩa là con người gặp nhiều vất vả, khó khăn trong cuộc sống, cuộc đời và số phận lận đận. “Lên” và “xuống” là hai hành động trái ngược nhau. “Thác” và “ghềnh” là những loại địa hình nguy hiểm. Việc sử dụng những cụm từ và hình ảnh mang tính đối lập nhau đã giúp nhấn mạnh sự thăng trầm trong cuộc sống. Do đó “Lên thác xuống ghềnh” cũng được dùng để ám chỉ sự khó khăn, nguy hiểm, cực nhọc khi làm một việc gì đó.

Thành ngữ “Lên thác xuống ghềnh” sử dụng thế nào?

Dưới đây là một số tình huống và câu có thể sử dụng thành ngữ “Lên thác xuống ghềnh” mà bạn có thể tham khảo.

  • Nhiệm vụ này vô cùng khó khăn, những người lính đã phải lên thác xuống ghềnh để hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ như vậy.
  • Cha mẹ làm lụng vất vả, lên thác xuống ghềnh chỉ để lo cho con cái một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
  • Tôi luôn trân trọng những khoảng thời gian lên thác xuống ghềnh trong quá khứ, bởi nhờ quãng thời gian này, tôi đã phát triển bản thân và trở nên tốt đẹp hơn.

Các câu tục ngữ khác tương tự “Lên thác xuống ghềnh”

Kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ của Việt Nam rất đa dạng, phong phú. Do đó có nhiều câu tục ngữ mang ý nghĩa hay cấu trúc tương tự như lên thác xuống ghềnh:

Những câu tục ngữ sử dụng cấu trúc tương tự

Việc sử dụng các từ ngữ đối lập nhau trong thành ngữ, tục ngữ là một cách quen thuộc mà ông cha ta thường sử dụng để thể hiện những ý nghĩa sâu sắc nhất định. Dưới đây là một số câu thành ngữ, tục ngữ sử dụng cấu trúc này.

Có nhiều câu ca dao, tục ngữ Việt Nam tương đồng với lên thác xuống ghềnh
Có nhiều câu ca dao, tục ngữ Việt Nam tương đồng với lên thác xuống ghềnh

Lên rừng xuống biển

Thành ngữ này có cấu trúc gần như tương đương với câu “Lên thác xuống ghềnh”. Nó cũng mang ý nghĩa con người đã bỏ nhiều công sức, vất vả để hoàn thành một việc gì đó. Tuy nhiên, “lên rừng xuống biển” mang sắc thái nhẹ nhàng hơn, nó cũng không có ý sâu xa là chỉ cuộc sống thăng trầm của con người.

Ví dụ: Cậu ta đã lên rừng xuống biển để tìm được món quà mà cô ấy yêu thích.

Lên núi đao xuống biển lửa

Câu này cũng sử dụng cấu trúc “lên- xuống”, “núi đao- biển lửa” là những từ có nghĩa đối nhau để thể hiện sự trắc trở, gian truân mà con người gặp phải trong cuộc sống. Hơn nữa hình ảnh “núi đao”, “biển lửa” còn nhấn mạnh hơn về sự khó khăn này.

Ba chìm bảy nổi

Thành ngữ ba chìm bảy nổi được dùng để miêu tả cuộc đời, hoàn cảnh của một người khi lên khi xuống, long đong, lận đận, không ổn định. Chìm và nổi là hai động từ trái nghĩa với nhau, việc sử dụng hai từ này càng làm tăng thêm ý nghĩa về sự bất ổn, thăng trầm. Câu thành ngữ này thường được sử dụng khi nói về số phận của con người, nhất là người phụ nữ khi xưa, đa đoan, vất vả.

Những câu thành ngữ nói về ý chí vượt qua khó khăn

Câu thành ngữ “Lên thác xuống ghềnh” ngoài việc dùng để chỉ những khó khăn, vất vả trong cuộc đời con người, nó còn muốn khuyên bảo con người phải giữ vững ý chí và quyết tâm vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Dưới đây là một số câu thành ngữ, tục ngữ mang ý nghĩa tương tự như vậy.

Đừng thấy sóng cả mà ngã tay chèo

Câu tục ngữ này khuyên bảo con người, trong cuộc đời này không ai có thể thành công mà không phải vượt qua gian khổ. Do vậy, khi đối mặt với những khó khăn, thử thách trước mắt, mỗi người cần sẵn sàng vượt qua và đối phó với nó, chứ không nên vội vàng bỏ cuộc. Giống như khi chèo thuyền, nếu gặp con sóng lớn thì phải cầm chắc mái chèo hơn. Nếu ngã tay chèo thì cả con thuyền có thể không trụ vững được nữa.

Có công mài sắt có ngày nên kim

Đây là câu thành ngữ quen thuộc với mỗi người bắt nguồn từ câu chuyện về bà lão và cậu bé lười biếng. Một cậu bé không chịu học hành, làm việc, một hôm đi ngang qua bà lão đang mài miếng sắt dày. 

Cậu bé tò mò lại gần xem, thì bà lão nói, miếng sắt này sẽ có ngày trở thành cây kim, giống như con người nếu chăm chỉ sẽ có ngày thành tài. Do đó, câu tục ngữ khuyên bảo con người phải kiên trì, quyết tâm, không từ bỏ thì mới có thể có được thành công.

Có công mài sắt, có ngày nên kim khuyên con người biết kiên nhẫn
Có công mài sắt, có ngày nên kim khuyên con người biết kiên nhẫn

Xem thêm:

Có chí làm quan, có gan làm giàu

Câu tục ngữ này có ý nghĩa là những người muốn có được địa vị và danh vọng (như việc làm quan)  thì phải ôm trong mình hoài bão và ý chí lớn. Còn người muốn làm giàu thì nhất định phải có sự dũng cảm, gan dạ, dám mạo hiểm, dám bỏ vốn ra đầu tư, không sợ bị thua lỗ hay mất mát.

Khi bản thân con người có ý chí thì mọi công việc đều có thể hoàn thành, cho dù có gặp bất kỳ khó khăn, nguy hiểm nào trong cuộc sống cũng có thể vượt qua và đạt được thành công.

“Ai ơi giữ chí cho bền, dù ai đổi hướng xoay chiều mặc ai”

Câu ca dao này muốn khuyên nhủ con người làm gì cũng nên giữ vững lập trường và ý chí của bản thân. Dù có bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài như khó khăn, thử thách hay những lời đàm tiếu thì cũng không được từ bỏ. Như vậy mới có thể có được thành tựu như mong muốn.

Bài viết đã giải thích ý nghĩa của câu thành ngữ “Lên thác xuống ghềnh”, đồng thời cũng nêu lên một số câu ca dao, tục ngữ tương tự. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức về các câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam.