Nỗ lực là gì? Nỗ lực ảo là gì? Phương pháp giúp bạn nỗ lực hiệu quả

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều được dạy rằng, cuộc sống này cần phải nỗ lực thật nhiều mới có thể vươn đến thành công. Có những người đã nhầm lẫn giữa sự nỗ lực thật sự và nỗ lực ảo khiến cho mọi thứ không diễn ra như mong muốn. Hãy cùng chúng mình tìm hiểu nỗ lực là gì, nỗ lực ảo là gì và cách để không rơi vào tình trạng này nhé.

Nỗ lực là gì?

no-luc-la-gi
Sự nỗ lực là không thể thiếu trong đời sống

Nỗ lực được hiểu theo cách đơn giản nhất chính là sự cố gắng, tuy nhiên cấp độ biểu hiện của nó mạnh hơn. Nỗ lực chính xác được hiểu là các bạn cần phải cố gắng hết sức để thực hiện một việc gì đó được đề ra. Những việc này sẽ rất khó khăn và cần nhiều tâm huyết cũng như công sức phải bỏ ra của bạn. Có thể nỗ lực sẽ dẫn tới thành công, cũng có thể là không. Nhưng có một điều chắc chắn rằng bạn sẽ không bao giờ phải cảm thấy hối hận nếu như đã nỗ lực hết sức mình khi thực hiện một việc gì đó.

Nổ lực hay nỗ lực mới là viết đúng chính tả?

no-luc-hay-no-luc
Phân biệt nổ lực hay nỗ lực

Nhiều người vẫn thường nhầm lẫn không biết nổ lực hay nỗ lực mới là đúng chính tả. Nổ lực là một từ không được tìm thấy trong từ điển Tiếng Việt. Từ này xuất hiện là do cách phát âm đọc sai dấu hỏi và ngã nên viết sai chính tả mà tạo thành. Đây là một từ hoàn toàn không có nghĩa gì cả.

Câu trả lời như vậy là đã quá rõ ràng rồi phải không nào? Nỗ lực là từ chính xác chứ không phải nổ lực. Sự nhầm lẫn này là do trên khắp lãnh thổ Việt Nam, mỗi vùng miền lại có một âm điệu nói chuyện khác nhau, từ đó dẫn đến cách phát âm các dấu của một từ nào đó bị sai lệch.

Nhất là ở miền Trung thì người dân hay phát âm dấu ngã (~) sai thành dấu hỏi (?) hoặc là dấu nặng (.). Từ việc phát âm sai dẫn đến cách ghi chép sai và thành lỗi chính tả, sau đó trở phổ biến nhờ sự lan truyền của các mạng xã hội hiện nay.

Nỗ lực ảo là gì?

Nhiều người có rất nhiều mục tiêu và dự định, họ tự hứa với bản thân sẽ cố gắng hoàn thành. Nhưng chính thói quen trì hoãn khiến những người đó lại rơi vào nỗ lực ảo và nhanh chóng thất bại.

Nỗ lực được định nghĩa là sự cố gắng hết sức, tức là việc một người cố gắng, kiên trì và chăm chỉ rất nhiều lần so với những gì mình có để theo đuổi những mục tiêu, đam mê của bản thân. Còn nỗ lực ảo chính là khi ai đó biết rằng mình cần phải nỗ lực và cảm giác bản thân đã nỗ lực, chăm chỉ lắm rồi nhưng sự thật thì nó cũng chỉ là cảm giác của người đó.

Chẳng hạn như việc bạn đặt ra cho mình rất nhiều mục tiêu, công việc cần phải làm cho bản thân như là đọc hết 10 quyển sách trong 1 năm hay học tốt tiếng Anh hơn, nhưng thay vì cố gắng kiên trì để hoàn thành thì bạn lại sao nhãng vào các hoạt động khác. Đôi khi là bạn cũng có làm, có thực hiện chúng nhưng lại không thể tới nơi tới chốn.

Dấu hiệu của nỗ lực ảo là gì?

Có rất nhiều người miệng suốt ngày nói chuyện nhất định phải ham học hỏi ra sao, nên nhiệt tình chăm chỉ thế nào, tư tưởng thì y như những vĩ nhân, nhưng kết quả lại mất tăm. Đấy chính là biểu hiện của một người đang nỗ lực ảo, tức là kiểu muốn tỏ ra nỗ lực nhưng mà làm không đến nơi đến chốn. Dưới đây là những dấu hiệu cụ thể của nỗ lực ảo, bạn có nằm trong danh sách này không?

Mua sách nhiều nhưng chẳng đọc được bao nhiêu

no-luc-ao-la-gi
Biểu hiện rõ rệt của nỗ lực ảo: mua rất nhiều sách nhưng không đọc

Bạn có vẻ nắm rõ tất cả các chương trình hội sách, đại hạ giá, quen thuộc với mọi trang bán sách, gom được cả đống mã giảm giá cho sách. Sách bạn mua chất đầy trên tủ nhưng đang đợi ngày được sờ đến.

Bạn nghĩ mua sách không bao giờ là thừa vì nghe nói đọc sách rất tốt. Vậy là cứ đến đợt giảm giá là bạn lại đi gom sách về, mua hết những cuốn bạn thấy cũng hơi hứng thú, những cuốn chắc là bạn sẽ muốn đọc, và cả những cuốn mua để cho đủ điều kiện giảm giá nhiều hơn.

Thế rồi hiện thực không phải như mơ, bạn không thể nào đọc hết nổi những gì mình đã mua. Thậm chí có nhiều cuốn nhận về chỉ mở ra lật lật mấy cái rồi lại cất đó mà không bao giờ sờ đến nữa. Vậy là tri thức đang chất đống trong nhà bạn, nhưng chỉ có một ít là đi vào được đầu bạn.

Đam mê mua các khóa học, nhưng bắt đầu đến giờ học thì lại hết đam mê

Trong thời đại này, các trung tâm đào tạo đang mọc lên như nấm với những chương trình quảng cáo hấp dẫn, giá cả cũng không quá đắt. Nhất là các khóa học online, không mất công đi tận nơi, thật là vừa hiệu quả lại vừa tiện lợi… Bạn nghĩ rằng mình cũng nên học thêm cái nọ cái kia, đồng thời cho rằng mình hẳn là chăm chỉ hơn vì sẽ tiếc số tiền đã bỏ ra, thế là quyết định mua.

Nhưng vấn đề là, chúng ta luôn đánh giá quá thấp cái gọi là của bản thân. Cuối cùng khóa học mua về thì nhiều đấy, nhưng cái nào bạn cũng chỉ học vài tiết rồi để đó, thậm chí có những khóa học bị bạn trì hoãn đến hết cả hạn rồi mà vẫn chưa bao giờ được mở ra.

Thế là, lúc nào bạn cũng trong tình trạng đang định/mới mua/đang theo học một khóa học nào đó, nhưng mà cái khóa học đó lại dài như sự học cả đời của bạn vậy, không bao giờ thấy nó kết thúc.

Tan làm về là chỉ nằm dài

Bạn biết rõ rằng chỉ nỗ lực trong giờ làm việc sẽ không bao giờ đủ để hình thành ưu thế cạnh tranh cho mình mà cần phải học tập thêm vào những lúc rảnh rỗi. Vậy nhưng, tan làm bạn lại về ăn uống, nghỉ ngơi, nằm dài trên ghế sofa và quyết định trì hoãn việc trau dồi tri thức.

Sau một ngày làm việc mệt mỏi, chắc chắn sẽ có quá nhiều phương thức giải trí hấp dẫn không ngừng thuyết phục chúng ta rằng mình xứng đáng được nghỉ ngơi một chút. Đúng là nghỉ ngơi một chút thì không sao, nhưng quá nhiều những một chút liên tục ấy sẽ khiến cho các kế hoạch phát triển bản thân và phát triển sự nghiệp của bạn không bao giờ được trở thành hiện thực. Hãy đứng lên và vận động đi nào.

Tải tài liệu về máy, nhưng không bao giờ mở ra

dau-hieu-cua-su-no-luc-ao
Dấu hiệu của sự nỗ lực ảo

Bạn có vẻ quan tâm đến việc trau dồi tri thức, tham gia đủ các loại hội nhóm học tập, luôn để ý đến các loại tài liệu hiếm, bổ ích… và nhanh chóng tải chúng về ngay khi có cơ hội.

Sau khi tải được những tài liệu mà nếu như không tải ngay thì có khi sẽ hối hận cả đời ấy về, bạn bắt đầu tạm yên tâm, cho là mình có đủ tài liệu để nghiên cứu, rồi quên mất việc bao giờ mình sẽ thực sự bắt tay vào nghiên cứu chúng.

Điều này cũng tương tự như với một người lưu đủ các thể loại bài viết hay, nhưng không bao giờ đem áp dụng vào thực tế, hoặc đi học rất hay chụp slide của thầy cô lại nhưng đến khi ôn thi chẳng một lần đem ra xem. Nhìn bề ngoài thì những người như vậy rất chăm chú khi học tập, không muốn bỏ lỡ kiến thức nhưng nhiều khả năng kết quả họ thu được sẽ bằng 0.

Thích đi nghe diễn thuyết nhưng trở về lại không suy nghĩ đến

Ngoài đọc sách và nghiên cứu tài liệu, chúng ta vẫn còn một cách hiệu quả để học tập nữa, đó là đi nghe giảng, đến các buổi diễn thuyết. Ở các buổi diễn thuyết, sẽ có những diễn thuyết gia đầy tài năng với kỹ năng trình bày tuyệt vời, khơi gợi lên khát khao nhiệt huyết trong người nghe. Chính vì thế sau một buổi diễn thuyết, con người ta dễ có cảm giác hưng phấn, tràn đầy quyết tâm và hy vọng.

Nếu bạn có sở thích đi nghe diễn thuyết thì điều này cũng không có gì là sai, nhưng đừng để những nhiệt huyết diễn giả đã đốt cháy lên trong bạn tàn lụi quá nhanh. Đáng tiếc là phần lớn chúng ta đều vậy, lúc vừa ra khỏi khán phòng thì tràn ngập ý chí, chỉ cần xuống đến bãi gửi xe là bắt đầu bị bao nhiêu chuyện khác trong cuộc sống thực tế làm cho xao nhãng. Rồi khi về đến nhà, bạn thậm chí quên luôn là mình mới nghe cái gì, cũng chẳng suy nghĩ thêm nữa.

Diễn giả chỉ giúp bạn đi bước đầu tiên là đem lại sự khao khát về thành công nhưng sau đó bạn kết thúc luôn chứ chẳng bao giờ sang đến giai đoạn suy nghĩ, tìm cách để thực hiện hóa thành công đó.

Xem thêm

Tác hại của nỗ lực ảo là gì?

tac-hai-cua-no-luc-ao
Nỗ lực ảo có tác hại gì không?

Chắc chắn nỗ lực ảo sẽ có rất nhiều tác hại rồi, nhưng mà cụ thể ra sao?

Nỗ lực ảo làm con người chậm tiến

Bạn nghĩ bản thân mình đang cần thay đổi, cần phát triển rất nhiều thứ, muốn có cuộc sống tốt hơn, biết nhiều phương pháp làm việc và học tập hiệu quả hơn. Bạn được tư vấn mua một số cuốn sách về đọc, tham gia học kĩ năng nọ kia nhưng bạn cứ viện lý do bận rộn vì gia đình, công việc…

Kết quả là cuốn sách cứ nằm chỏng chơ trên kệ, bạn tốn tiền đóng học nhưng không học thì cứ một ngày trôi qua bạn chưa có chút nào thay đổi tích cực mà vẫn cứ giậm chân tại chỗ. Xã hội thì luôn tiến về phía trước nếu bạn cứ đứng nguyên có nghĩa là bạn đang bị thụt lùi mà không biết.

Làm giảm hiệu quả công việc hoặc học tập

Còn 1 tuần nữa là thi học kì với kì thi gồm 7 môn, ban đầu bạn lên kế hoạch ôn tập, mỗi ngày ôn 1 môn, bản kế hoạch này trông có vẻ hoàn hảo và bạn cảm thấy như đạt thành tựu gì to lớn khi vừa lập xong được kế hoạch ôn tập cho cuộc thi, bạn tự thưởng cho bản thân mình ngồi xem phim, bộ phim lôi cuốn bạn hết ngày ngày qua ngày khác.

Rồi bạn chợt nhận ra là chỉ còn 3 ngày nữa thi rồi, lúc này bạn cuống cuồng ôn thi cho 7 môn học. Như vậy mỗi ngày bạn phải ôn tận 2 hoặc 3 môn, sự chênh lệch thời gian này cũng dễ dàng cho thấy hiệu quả ôn tập sẽ giảm đi đáng kể so với kế hoạch ban đầu. Khi ôn tập với thời gian ngắn ngủi vậy, chúng ta phải bỏ qua một số phần, tâm lý bị căng thẳng và suy nghĩ đến việc học tủ và làm phao thi bắt đầu xuất hiện. Hậu quả thì chắc hẳn là bạn cũng biết rồi đó.

Tương tự như với công việc, nếu bạn thực hiện chúng khi đã cận deadline thì không thể nào tốt như khi làm trong thời gian ngắn bằng một tâm lý thoải mái hơn.

Cách khắc phục nỗ lực ảo là gì?

Để đi đến cái đích mà chúng ta đã vẽ ra là cả một quãng đường dài. Chuyến đi ấy sẽ có mệt mỏi, có khó khăn. Tự tạo động lực cho bản thân và chúng ta sẽ có thêm sức mạnh để bước tiếp. Các bạn có thể thực hiện theo những phương pháp dưới đây để đảm bảo hoàn thành mọi mục tiêu đã đề ra nhé.

phuong-phap-ren-luyen-su-no-luc
Hãy cố gắng để đừng rơi vào sự nỗ lực ảo

Tạo ra một bảng tầm nhìn

Bạn sẽ thấy tổng thể những ước mơ của mình thật là rõ ràng trong chiếc bảng tầm nhìn. Mỗi người đều có những tưởng tượng về cuộc sống tương lai riêng. Chúng ta có thể tạo một bảng tầm nhìn nơi mà mình có thể tìm những hình ảnh đẹp thể hiện cuộc sống đấy.

Các bạn có thể treo bảng ở nơi dễ nhìn thấy như một lời nhắc nhở về lý do tại sao bạn nên làm việc chăm chỉ. Khi mà bị cuốn vào guồng quay bận rộn của cuộc sống, chính chiếc bảng tầm nhìn sẽ nhắc bạn nhớ về ước mơ của mình và cho bạn động lực để tiếp tục cố gắng.

Sắp xếp thứ tự ưu tiên

Đôi khi chúng ta dành quá nhiều thời gian cho những việc không quan trọng đến nỗi mà không còn năng lượng để làm những dự án khác. Vì vậy, ưu tiên những gì quan trọng trong kế hoạch sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu nhanh hơn.

Đầu tiên, các bạn phải ấn định được khoảng thời gian mà mình cần hoàn thành công việc. Sau đó lập danh sách những việc cần phải làm trong 1 tháng, 1 tuần và 1 ngày. Mỗi sáng ngủ dậy hãy xem một lượt những điều cần làm trong ngày. Buổi tối trước khi đi ngủ, hãy điểm lại kết quả những thứ gì đã làm của ngày hôm đó và lập kế hoạch cho ngày mai. Khi chúng ta học cách làm những việc cần thiết hơn khi bắt đầu công việc thì sẽ cảm thấy hiệu quả hơn rất nhiều.

Ghi lại mọi tiến bộ có được của bản thân

Điều quan trọng không chỉ là chúng ta ghi nhận kết quả cuối cùng mà còn phải liên tục theo dõi sự tiến bộ của mình. Hơn nữa, bằng cách làm này, các bạn có thể nhanh chóng hiện thực hóa ước mơ của mình. Bởi sự tiến bộ mỗi ngày khiến chúng ta giữ được sự vui vẻ và có niềm tin với con đường đã chọn. Nó thúc đẩy chúng ta tiến xa hơn cũng như là không chùn bước khi vấp ngã.

Tự thưởng cho bản thân sau từng bước tiến

Để thực hiện được một kế hoạch lớn, chúng ta cần chia nhỏ những nhiệm vụ để làm. Sau khi hoàn thành từng mục công việc, chúng ta cũng nên tự thưởng cho bản thân như một động lực thúc đẩy mình nỗ lực tiếp. Phần thưởng không cần quá lớn, quá đắt tiền, đó có thể chỉ là một bữa ăn nhà hàng mà mình yêu thích từ lâu hoặc nghỉ ngơi hoàn toàn để đi xem phim.

Tạo lập không gian làm việc thật gọn gàng

Có thể bạn chưa biết rằng không gian làm việc cũng ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng công việc. Khi học tập hoặc làm việc tại nhà, điều quan trọng là phải có một không gian làm việc riêng cho từng hoạt động khác nhau. Bạn nên quy định rõ thời gian làm việc và giải trí để não bộ điều hướng được dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Phương pháp tập trung Pomodoro

Nếu bạn gặp vấn đề trong việc tập trung thì hãy thử sử dụng kỹ thuật Pomodoro. Phương pháp quản lý thời gian hữu ích này được đặt theo tên của một bộ đếm thời gian nhà bếp đó là Pomodoro.

Tất cả những gì bạn cần làm là hẹn giờ trong 25 phút khi cần thực hiện một công việc nào đó, làm hết sức tập trung và nghỉ ngơi trong vòng 5 đến 10 phút sau khi nó đổ chuông. Lặp lại điều đó 3 lần và sau khoảng thời gian thứ 3 các bạn có thể nghỉ 10 đến 20 phút. Cố gắng thực hiện theo phương pháp này rồi các bạn sẽ thấy được kết quả thần kỳ của nó.

Vậy là chúng mình đã cùng nhau tìm hiểu nỗ lực là gì, nỗ lực ảo là gì và cách để chống lại căn bệnh này. Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè cùng tham khảo vì một thế giới không có nỗ lực ảo nhé.